Địa lý Bạc_Liêu_(thành_phố)

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại phường 2

Vị trí địa lý

Thành phố Bạc Liêu nằm ở vị trí địa lý từ 9o16’05’’ vĩ độ Bắc 105o45’06’’ kinh độ Đông. Thành phố Bạc Liêu nằm ở phía đông tỉnh Bạc Liêu.

Điều kiện tự nhiên

I. Địa hình

Địa hình của thành phố Bạc Liêu tương đối bằng phẳng và thấp, hướng nghiêng chính từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao độ trung bình khoảng 0,2 đến 0,8 m, độ dốc trung bình 1 - 1,5 cm/km. Trên địa bàn thành phố có nhiều ao, hồ, khu vực đất ruộng và đầm nuôi tôm có nhiều mương rạch chia cắt, địa hình tuy thuận lợi cho thoát nước nhưng lại khó khăn trong xây dựng cơ bản. Nhìn chung thành phố Bạc Liêu có hai dạng địa hình chính chia thành hai khu vực như sau:

- Khu vực phía Bắc Quốc lộ 1A địa hình thấp (cao trung bình 0,2 - 0,3 m). Dạng địa hình như trên rất thuận lợi trong việc tận dụng nước thủy triều để tiêu thoát nước, nhưng cũng tạo thành những vùng trũng đọng nước chua phèn gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp.

- Khu vực phía Nam Quốc lộ 1A có địa hình cao hơn (cao trình 0,4 - 0,8 m), do có những giồng cát biển không liên tục tạo nên khu vực có địa hình cao ven biển hướng nghiêng thấp dần từ biển vào nội địa.

II. Khí hậu

Dữ liệu khí hậu của TP. Bạc Liêu
Tháng123456789101112Năm
Trung bình cao °C (°F)24.925.427.428.929.727.928.328.027.828.028.127.327,6
Giáng thủy mm (inch)1.1
(0.043)
28.0
(1.102)
155.0
(6.102)
344.8
(13.575)
320.9
(12.634)
272.8
(10.74)
313.3
(12.335)
183.5
(7.224)
96.8
(3.811)
29.9
(1.177)
1,746.1
độ ẩm82777776778584858584808181
Số giờ nắng trung bình hàng tháng245.9275.5308.8304.7279.2181.2199.4219.5185.6212.1233.5262.1242,3
Nguồn: Vietnam Institute for Building Science and Technology[1]

Đặc điểm khí hậu thành phố Bạc Liêu mang đặc thù chung của khí hậu gió mùa cận xích đạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những đặc trưng riêng khu vực bán đảo Cà Mau. Các yếu tố khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt trong năm là mùa mưa và mùa khô.

1. Nhiệt độ

Nhiệt độ bình quân cao đều trong năm, trung bình là 27,3 °C. Nhiệt độ trung bình cao nhất là 27,6 °C và thấp nhất là 27,2 °C. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa khô là 24,3 – 29,7 °C, các tháng mùa mưa là 25,2 – 29,1 °C. Biên độ nhiệt giữa các tháng không đáng kể, chỉ từ 1 - 2 °C, nhưng biên độ nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn (mùa khô từ 8 - 10 °C, mùa mưa từ 6 - 7 °C), yếu tố nhiệt độ này thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

2. Lượng mưa

Chế độ mưa chia theo mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa chiếm tới 90% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình năm là 1.801,5 mm, phân bố không đều theo thời gian ngay cả trong các tháng của mùa mưa, lượng mưa tập trung chủ yếu ở các tháng 5 - 9, có tháng mưa trên 389 mm. Số ngày mưa trung bình khoảng 110 - 120 ngày/năm.

3. Độ ẩm

Lượng nước bốc hơi trung bình hàng năm 1.233 mm, các tháng có lượng bốc hơi lớn nhất là các tháng mùa khô (694 mm, bằng 56% lượng bốc hơi cả năm). Độ ẩm không khí trung bình 82,6%, các tháng mùa khô 76 - 80%.

4. Số giờ nắng

Số giờ nắng trung bình là 6,6 giờ/ngày. Tổng tích ôn từ 9.750 °C đến 9.850 °C, thời gian chiếu sáng kéo dài bình quân 2.202 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm khoảng 4,46 kcal/cm²/năm thuận lợi cho việc phát triển điện mặt trời.

5. Gió, bão

  • Gió: Trong năm thường xuất hiện 3 hướng gió chính, tốc độ gió bình quân đạt khoảng 3 - 3,5 m/s, mùa khô có gió mạnh đạt 8 – 9 m/s. Gió Đông Nam khô và nóng thường xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 4; gió Tây Nam thổi từ biển vào mang theo nhiều hơi nước thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 10; còn gió Đông Bắc khô và lạnh thường xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 12.
  • Bão: Trong mùa mưa thường có các cơn giông và lốc xoáy có gió mạnh tới cấp 7,8 nhất là vùng ven biển thuận lợi cho việc phát triển điện gió.

III. Chế độ thủy văn, hải văn

1. Mực nước và thủy triều

  • Chế độ thuỷ văn: thành phố có liên quan chặt chẽ với chế độ mưa, gió.
  • Thủy triều: thành phố Bạc Liêu nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông (biên độ triều khoảng 2,8 - 2,9 m). Từ khi hoàn thành các cống ngăn mặn dọc theo Quốc lộ 1A, do quy mô diện tích truyền triều bị thu hẹp, mức ngập triều ở vùng Nam Quốc lộ 1A nói chung và thành phố Bạc Liêu nói riêng cao hơn trước, tạo thuận lợi cho việc dẫn nước mặn vào các khu vực nuôi tôm, làm muối. Lượng phù sa khá cao làm cho hệ thống kênh rạch và các vùng nuôi tôm bị bồi lắng nhanh, vì vậy công tác chủ động điều tiết thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, để giải quyết việc cung cấp và tiêu thoát nước tốt cho nuôi trồng thuỷ sản, thành phố cần quan tâm đầu tư nạo vét hệ thống thuỷ nông và đê bao hoàn chỉnh để chủ động điều tiết nguồn nước, phục vụ tốt cho canh tác và nuôi trồng thủy, hải sản. Lượng phù sa khá cao làm cho hệ thống kênh rạch các vùng nuôi tôm bị bồi lắng nhanh, vì vậy công tác chủ động điều tiết thủy lợi gặp nhiều khó khăn.

IV. Hệ thống sông ngòi

1. Sông ngòi

TP. Bạc Liêu có nhiều sông, kênh, rạch như: sông Bạc Liêu, kênh 30-4,… đáp ứng được nguồn cung cấp nước cho hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và tiêu, thoát nước trong khu vực đô thị.

2. Sự xâm nhập mặn tại các hệ thống kênh rạch

Xâm nhập mặn do tác động trực tiếp của chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông. Trong những năm gần đây, do hệ thống đê và cống ngăn mặn khá hoàn chỉnh dọc theo Quốc lộ 1A và sông Bạc Liêu nên tình trạng xâm nhập mặn đã giảm đáng kể ở khu vực phía Bắc.

Hiện nay, khả năng điều tiết nguồn nước mặn - ngọt đang từng bước được cải thiện để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản trên cả hai vùng phía Bắc và Nam Quốc lộ 1A, kênh Bạc Liêu - Cà Mau theo hướng quy hoạch chuyển đổi sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh (gồm cả thành phố Bạc Liêu). Trong mùa khô, độ mặn nước sông và nước trong các ruộng tôm tăng cao, thường ở những vùng cửa sông nước có độ mặn cao hơn, càng sâu vào trong nội đồng độ mặn càng giảm. Trái lại vào mùa mưa, độ mặn giảm nhanh (cả nước sông và trong các đầm nuôi tôm). Do đó, một số tiểu vùng ở các xã ngoại thị và các phường 7, 8 có điều kiện rửa mặn, giữ ngọt tốt có thể sản xuất luân canh một vụ lúa trên đất nuôi tôm trong mùa mưa.

V. Các nguồn tài nguyên

1. Tài nguyên đất

Tài nguyên đất trên địa bàn thành phố Bạc Liêu có 3 nhóm chính với tám loại đất như sau:

  • Nhóm đất cát: có diện tích 1.555 ha, chiếm 10,08% diện tích tự nhiên của thành phố, phân bố chủ yếu nơi địa hình trung bình - cao, có khả năng tiêu thoát nước, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Trạch Đông và phường Nhà Mát với hai loại đất như sau:

- Đất cát giồng (Cz) có diện tích 363 ha, chiếm 2,35% diện tích tự nhiên của thành phố.

- Đất cát biển (C) có diện tích 1.192 ha, chiếm 7,73% diện tích tự nhiên của thành phố.

  • Nhóm đất mặn: có diện tích 9.606 ha, chiếm 62,25% diện tích tự nhiên của thành phố. Trên địa bàn thành phố Bạc Liêu nhóm đất mặn được phân chia ra các đơn vị đất sau:

- Đất mặn nặng và mặn thường xuyên: Có diện tích 1.738 ha, chiếm 11,27% tổng diện tích tự nhiên, phân bố sau đê biển ở các xã, phường ven biển của thành phố.

- Đất mặn trung bình: có diện tích 732,63 ha, chiếm 4,75% tổng diện tích tự nhiên thành phố, phân bố ở nơi có địa hình thấp ven sông, rạch.

- Đất mặn ít: có diện tích lớn nhất trong nhóm đất mặn với 7.135 ha, chiếm 46,24% tổng diện tích tự nhiên thành phố.

  • Nhóm đất phèn: có diện tích 2.843 ha, chiếm 18,43% diện tích tự nhiên của thành phố, tập trung ở địa hình thấp, có các đơn vị đất như sau:

- Đất phèn tiềm tàng: có diện tích là 777 ha, chiếm 5,04% tổng diện tích toàn thành phố, được phân bố ở các xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông và các phường Nhà Mát, phường 2, phường 5 và phường 8.

- Đất phèn hoạt động: Có diện tích 1.542 ha, chiếm 9,99% diện tích tự nhiên toàn thành phố.

- Đất phèn bị thủy phân: có diện tích 524 ha, chiếm 3,40% tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố.

3. Tài nguyên nước

  • Nước mặn: Đây là nguồn nước được đưa vào từ biển hoặc được pha trộn với nguồn nước mưa. Nước mặn không thích hợp đối với cây, con nước ngọt, ngược lại nước mặn lại là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển nuôi trồng thủy sản, làm muối, phát triển rừng ngập mặn... Trên thực tế ngành thủy sản đã và đang là ngành kinh tế mũi nhọn có những đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói chung và thành phố Bạc Liêu nói riêng trong những năm vừa qua.
  • Nước mặt: Nước mặt trên địa bàn thành phố Bạc Liêu chia làm hai khu vực sau:

- Khu vực Bắc kênh Bạc Liêu - Cà Mau và Quốc lộ 1A: nhờ thực hiện hệ thống thủy lợi trong dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp nên khả năng tưới nước ngọt khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

- Khu vực Nam Quốc lộ 1A và kênh Bạc Liêu - Cà Mau: trong mùa khô tất cả các kênh rạch đều bị nhiễm mặn, với độ mặn cao (15 - 30‰), thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản và làm muối, trong mùa mưa độ mặn còn ở mức 5 - 15‰ vẫn thích hợp cho nuôi trồng thủy sản.

  • Chất lượng nước mặt (sông rạch, ao, hồ, nước mưa) cũng diễn biến theo mùa. Lượng nước mưa trên địa bàn tỉnh tập trung 90% vào mùa mưa, do đó mùa mưa nước ngọt chiếm ưu thế, tuy nhiên vào đầu và cuối mùa mưa nước thường bị chua phèn. Mùa khô nước thường bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn.
  • Nước ngầm: Nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố khá phong phú với 4 phức hệ thủy văn chứa nước ở các mức độ khác nhau:

- Phức hệ chứa nước trầm tích Holoxen: là phức hệ chứa nước ngầm có mặt thoáng tự do, chiều dày trầm tích thay đổi từ 40 – 70 m, trữ lượng nhỏ, chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt về mặt vi sinh.

- Phức hệ chứa nước lỗ hổng trầm tích Pleistoxen: là phức hệ chứa nước thuộc dạng lỗ hổng, độ sâu từ 80 – 150 m, trữ lượng nước thay đổi theo từng khu vực với tổng trữlượng khoảng 716.440 m³/ngày, chất lượng nước tốt. Đây là tầng có trữ lượng nước lớn nhất nhưng do phân bố không đều nên chỉ thích hợp cho khai thác quy mô nhỏ và phải thăm do kỹ trước khi khai thác.

- Phức hệ chứa nước vỉa lỗ hổng trầm tích Plioxen: chiều dày trầm tích thay đổi từ 130 – 180 m, trữ lượng nước phong phú với tổng trữ lượng khoảng 361.300 m³/ngày nhưng do nước có độ khoáng hóa cao (1,28 - 9,40 mg/l), có khi lên tới 21,56 mg/l nên không đủ tiêu chuẩn nước sinh hoạt cho thành phố.

- Phức hệ chứa nước vỉa lỗ hổng trầm tích Mioxen: chiều dày trầm tích thay đổi từ 450 – 500 m với tổng trữ lượng nước khoảng 273.600 m3/ngày. Đây là tầng nước có áp lực mạnh, độ khoáng hóa cao (1,49 - 3,92 mg/l), nhiệt độ cao (39 - 40 °C), có triển vọng khai thác nước khoáng.

4. Tài nguyên sinh học

Theo thống kê, toàn tỉnh Bạc Liêu có có 78 loài thực vật thuộc 38 họ, chủ yếu là cây đước (Rhizophoraceae), vẹt (Bruquiera), mấm (Avicennia marina), dà (Ceriops); động vật có 3 loài thú, 8 loài bò sát và lưỡng cư, 80 loài chim đầm lầy (chim nước), 25 loài tôm và 258 loài cá nước mặn… Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 2 vườn chim do nhà nước quản lý và các vườn chim tư nhân quản lý, phân bố tại huyện Phước Long, Đông Hải và thị xã Giá Rai với đa dạng sinh học phong phú.

Trong khi đó, tài nguyên sinh học khu vực thực hiện dự án chia làm 2 vùng đặc trưng:

- Vùng nội ô thành phố Bạc Liêu: bao gồm các phường 1, 2, 3, 5, 7, 8. Đây là các phường có tốc độ đô thị hóa cao nên hệ sinh thái mang tính đặc trưng của hệ sinh thái đô thị. Tính đa dạng của hệ sinh thái này khá nghèo nàn, chỉ bao gồm các loại động thực vật do con người trồng trọt và nuôi thả. Cụ thể tại khu vực thực hiện các hạng mục đầu tư của dự án, hệ sinh thái trên cạn chủ yếu bao gồm các động vật nuôi trong nhà như chó, mèo, gà cùng các loại cây ăn trái (dừa nước, đu đủ,…), dây leo (rau muống, mướp,…), cây lấy bóng mát (tre, gòn,…) và một số dạng cây bụi như chó đẻ, khoai môn tía, bèo cái, cỏ lác, cỏ dại. Hệ sinh thái dưới nước cũng không mang tính đa dạng do các kênh rạch bị ô nhiễm. Các loài thực vật thủy sinh bao gồm: rau muống (do người dân canh tác), bèo tây, lục bình,… và trắm đen, rô phi, cá mè; loài giáp xác như tôm, cua; động vật thân mềm cùng một số loài nhuyễn thể là các động vật thủy sinh phát hiện trong môi trường nước kênh Xáng.

- Vùng ngoại ô thành phố Bạc Liêu bao gồm xã Hiệp Thành và phường Nhà Mát. Hệ sinh thái tại khu vực này mang tính đa dạng hơn. Loài thực vật chiếm ưu thế là cây đước (Rhizophoraceae), vẹt (Bruquiera), mấm (Avicennia marina). Đây là các loài thực vật đặc trưng cho vùng ngập nước. Động vật cũng thích nghi với các điều kiện này như chim nước, tôm và cá nước mặn.

5. Tài nguyên khoáng sản

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói chung, thành phố Bạc Liêu nói riêng hầu như không có các loại tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế và trữ lượng để đảm bảo khai thác công nghiệp.

Chỉ có vài loại khoáng sản vật liệu xây dựng với trữ lượng không lớn như cát san lấp, sét, gạch ngói, sa khoáng,...

6. Tài nguyên rừng

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 5.433,60 ha, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ (4.494,80 ha). Cây trồng chủ yếu là mấm trắng (Avicennia alba), cây đước (Rhizophora apiculata), cây tràm (Melaleuca cajuputy).

Rừng ở Bạc Liêu có hai loại sinh thái rừng đặc trưng của ĐBSCL là rừng ngập mặn ven biển và rừng ngập nước nội địa, trong đó rừng ngập mặn có năng suất sinh học cao, có giá trị về phòng hộ và môi trường. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có hệ động, thực vật khá đa dạng về mặt sinh học.

7. Tài nguyên biển

Thành phố Bạc Liêu có 12,5 km bờ biển với vùng lãnh hải và thềm lục địa trải rộng. Vùng bãi triều là khu vực sinh sản của động vật hai mảnh vỏ như nghêu, sò,... Thành phố có cửa kênh 30/4 thông ra biển tại cửa biển Nhà Mát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cảng cá và khu neo đậu tàu trú bão. Tài nguyên biển phong phú là nguồn cung cấp nguồn thủy hải sản cho khu vực, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng ven bờ, tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch sinh thái.

Theo tài liệu, số liệu điều tra, vùng biển của thành phố Bạc Liêu nói riêng và tỉnh Bạc Liêu nói chung có hệ sinh thái đa dạng với trữ lượng hải sản lớn, phong phú về chủng loại với trên 600 loài cá, 33 loài tôm và hàng trăm loại mực cùng động vật nhuyễn thể khác. Nhiều loại hải sản có trữ lượng lớn và có giá trị kinh tế cao như tôm, cá hồng, cá gộc, cá sao, cá thu, cá chim, cá đường... Theo kết quả khảo sát của ngành thuỷ sản, trữ lượng cá, tôm của khu vực này vào khoảng 250 nghìn tấn, hàng năm có thể khai thác 50 - 60 nghìn tấn. Khu vực nước lợ ven biển tạo thành vùng sinh thái đặc thù có tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Ngoài nguồn lợi thuỷ sản, biển còn cung cấp lượng muối quan trọng cho công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Vào mùa khô, độ mặn nước biển lên tới 30‰, năng suất muối đạt 40 - 50 tấn/ha. Ngoài ra nguồn nước biển cũng là tài nguyên quý cho sự phát triển rừng phòng hộ ven biển.

Trong những năm qua, nhờ khai thác hợp lý tài nguyên biển và ven biển, kinh tế thủy sản đã trở thành ngành mũi nhọn xuất khẩu và là động lực thúc đẩy phát triển toàn bộ nền kinh tế -xã hội của tỉnh Bạc Liêu nói chung và của thành phố Bạc Liêu nói riêng. Vùng ven biển thành phố Bạc Liêu chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ 8 km và cách đường Quốc lộ 1A 10 km, rất thuận lợi cho việc xây dựng khu du lịch Nhà Mát, là trung tâm lớn nhất của tuyến du lịch sinh thái ven biển. Khu vực biển Bạc Liêu còn là vị trí quan trọng đối với việc bảo vệ an ninh quốc phòng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.